Thời Đông Hán, thiên tử suy yếu, chư hầu nổi dậy cát cứ khắp nơi. Trong khi nhà Ngụy của Tào Tháo hùng bá cả vùng Trung Nguyên, nhà Ngô của Tôn Quyền có địa thế không ai bì kịp, thì đất Thục của Lưu Bị chỉ có vùng Ích Châu nhỏ bé.
Người thường, ắt hẳn chọn đầu quân cho Tào Tháo - kẻ đang trấn áp chư hầu hay Tôn Quyền - bá chủ một cõi. Cũng như nhiều nhà đầu tư bất động sản thích tìm nơi “nóng sốt”, nhộn nhịp để xuống tiền.
Nhưng kỳ tài như Gia Cát Lượng thì không như thế, ông lại chọn Lưu Bị với tài nguyên thiếu thốn và binh lực ít ỏi! Vì sao lại như thế?
Có 4 bài học lớn mà các nhà đầu tư bất động sản có thể học hỏi được từ sự lựa chọn này của Gia Cát Lượng:
- Muốn lãi lớn: Không chạy theo số đông, không tìm chỗ ổn định
- Chỉ xuống tiền ở khu vực có dư địa phát triển tốt
- Thông tin là tiền bạc
- Giữ vững tư duy đầu tư dài hạn
Muốn lãi lớn: Không chạy theo số đông, không tìm chỗ ổn định
Quay lại câu hỏi vì sao Gia Cát Lượng không đầu quân cho nhà Ngụy của Tào Tháo hay nhà Ngô của Tôn Quyền?
Về nhà Ngụy: Tào Tháo khi ấy lấn át thiên tử, trấn áp chư hầu. Nội chính có Tuân Úc, quân sự có Tuân Du, lại còn các bậc kỳ tài mưu lược như Quách Gia, Từ Thứ,...
Tuy Tào Tháo trọng dụng nhân tài nhưng Gia Cát Lượng khó tận dụng tài năng giữa “đại dương đỏ”. Thảm hơn như Khổng Dung, Đổng Thừa, không được trọng dụng, quay ra tạo phản, phải lãnh chịu án tử.
Có thể nói nhà Ngụy tựa như những khu vực đang có sốt đất, nhà nhà đầu quân, người người đầu tư, nhưng chỉ những nhân tài vào trước như Tuân Úc, Quách Gia mới “đầu tư thành công”. Còn những kẻ vào sau, kém tài như Khổng Dung, Đổng Thừa phải lãnh nhận “thua lỗ”.
Về nhà Ngô: Thời điểm đó, Tôn Quyền cũng đang phải đối diện với sự uy hiếp từ Tào Tháo, nếu Gia Cát Lượng đầu quân cho nhà Ngô chắc hẳn không thiếu cơ hội để kiến công, lập nghiệp.
Tuy nhiên, có một điểm mấu chốt, rằng dưới trướng Tôn Quyền đã có một kỳ tài, vừa giỏi mưu lược, lại giỏi dụng quân, là Chu Du. Thời điểm ấy, ngay cả Bàng Thống - người về sau được ví ngang với Gia Cát Lượng cũng đang dưới quyền của Chu Du.
Đồng thời, Chu Du vừa là tri kỷ, vừa là “anh em cột chèo” với Tôn Sách - anh trai Tôn Quyền. Có thể nói Chu Du vừa có tài, vừa có thế.
Nhà Ngô tựa như bất động sản ở khu vực đã phát triển ổn định, nhà đầu tư có vào cũng khó thu được lợi nhuận bứt phá. Thêm vào đó, tiền vốn bỏ ra cũng phải cao mới mong “vượt được Chu Du”.
Vậy, nhà Ngụy sốt đất không dành cho người kém tài và thông tin chậm, nhà Ngô đã ổn định không dành cho người muốn bứt phá và thiếu vốn.
Chỉ xuống tiền ở khu vực có dư địa phát triển tốt
Muốn lãi lớn, không nên đầu tư vào khu vực sốt đất hoặc khu vực đã phát triển, nhưng không có nghĩa rằng bạn chỉ nên đầu tư vào những vùng đất xa xôi, hẻo lánh, kém tiềm năng.
Tuy lúc đầu Lưu Bị chỉ có Ích Châu, là vùng hiểm trở, thiếu tài nguyên, nhưng Gia Cát Lượng đã nhìn ra được nhiều tiềm năng của nhà Thục.
Trên có Lưu Bị nhân đức lại còn mang dòng dõi Hán thất, dưới có các mãnh tướng Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân,... Vừa lúc Lưu Bị đang thiếu một vị mưu sĩ nòng cốt nên Gia Cát Lượng sáng suốt quyết định đi theo phò tá.
Ví dụ như khu vực Cát Lái thuộc TP. Thủ Đức, hội tụ đầy tiềm năng nhưng mấy năm nay mức giá không thể đột phá do vấn đề kẹt xe, cũng như Lưu Bị mãi chưa phất lên vì thiếu quân sư.
Từ ngày có Gia Cát Lượng, nhà Thục trở mình, tạo thế chân vạc cùng với Ngụy, Ngô. Cát Lái cũng vậy, sẽ trở mình khi vấn đề giao thông dần được cải thiện trong thời gian sắp tới.
Thông tin là tiền bạc
“Tam cố thảo lư” là giai thoại nổi tiếng thời Tam Quốc kể về việc Lưu Bị 3 lần đích thân đến nhà tranh mời Gia Cát Lượng xuất sơn phò tá cơ nghiệp.
Ở chi tiết này, nhiều người chỉ đánh giá cao đức tính trọng dụng nhân tài của Lưu Bị mà bỏ qua sự tinh tế của Gia Cát Lượng.
3 lần Lưu Bị đến nhà tranh là 3 lần Gia Cát Lượng có cơ hội trực tiếp đánh giá tầm nhìn và đức độ của Lưu Bị. Cũng như buổi đàm đạo trong lần thứ 3 là bằng cớ vững chắc để Gia Cát Lượng xác định Lưu Bị là bậc minh quân.
Đầu tư bất động sản cũng nên như thế, phải tìm hiểu thông tin thị trường từ nhiều nguồn trực tiếp và gián tiếp.
Gia Cát Lượng không vì nghe loáng thoáng Lưu Bị là người nhân nghĩa mà vội đầu quân. Nhà đầu tư không nên nghe phong phanh nơi nào đang sốt là liền xuống tiền.
Chỉ khi Gia Cát Lượng trực tiếp gặp Lưu Bị mới quyết định xuất sơn phò tá. Chỉ khi nhà đầu tư bất động sản trực tiếp đến địa phương và có các nguồn thông tin xác thực mới quyết định vào cuộc.
Giữ vững tư duy đầu tư dài hạn
Đây có lẽ là bài học mấu chốt nếu muốn đầu tư bất động sản thành công vững chắc.
Gia Cát Lượng phò tá Lưu Bị, ban đầu tuy cũng giành một số trận thắng, nhưng thế còn yếu nên vẫn phải chạy giặc khắp nơi.
Nhưng Gia Cát Lượng vẫn một lòng dùng tài năng của mình phò tá Lưu Bị. Rồi cuối cùng Lưu Bị cũng chiếm được Kinh Châu, Tây Xuyên, hình thành thế chân vạc với Tào Tháo, Tôn Quyền. Gia Cát Lượng được phong thừa tướng, dưới một người, trên vạn người.
Cũng như Gia Cát Lượng, nhà đầu tư bất động sản phải có tư duy dài hạn mới kỳ vọng đạt được lợi nhuận cao. Những tay đầu tư “lướt sóng” có thể thu lợi tức thời nhưng thua lỗ cũng khó tránh khỏi.
Có thể nói, chọn đúng bất động sản nhưng không trường vốn thì khó tránh rủi ro.
Bạn vừa xem qua bài viết "Chọn thị trường đầu tư bất động sản như Gia Cát Lượng chọn minh quân". Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các bài viết dưới đây:
- Vì sao phải mua nhà ngay khi có thể? 11 câu trả lời khiến bạn phải suy ngẫm!
- Tất tần tật mọi điều cần biết trước khi mua chung cư trả góp
- 'Châu chấu công nghệ sẽ tước đoạt cánh đồng bất động sản của nhà môi giới?'
- 6 LÝ DO khiến bạn KHÔNG ĐƯỢC DUYỆT vay mua chung cư trả góp
- 10 loại căn hộ thông dụng hiện nay
- Ai là người phát minh ra phương thức Mua bán nhà trên giấy?
- 8 tiêu chí quyết định thắng thua trong đầu tư bất động sản
- Liệu Proptech có đẩy được “con khủng long” tiến tới?
- Mua chung cư trả góp chưa thanh toán xong có bán được không?
- 3 hình thức mua chung cư trả góp phổ biến nhất hiện nay
- Có nên mua chung cư trả góp? 5 ưu điểm so với mua trả thẳng
Nguyên Phương
- đầu tư bất động sản