Kiến thức

Cảnh giác: Cầm trên tay sổ đỏ, vẫn bị lừa!

Nhận diện 4 chiêu lừa đảo sổ đỏ, người mua nhà phải biết để không mất trắng

lua-dao-so-do
avatar

Thế Minh

30/01/2023

1. Sổ đỏ … sinh đôi!

Nhiều trường hợp sổ đỏ dù không mất hoặc đã thế chấp nhưng chủ nhà vẫn cố tình báo mất sổ đỏ để được chính quyền cấp sổ đỏ mới. Sau đó kẻ gian này cầm sổ đỏ cũ đem đi bán để lừa tiền.

Trường hợp khi cơ quan nhà nước phát hiện chỉ có thể thu hồi 1 sổ đỏ, mà chế tài xử lý vẫn chưa rõ ràng nên nhiều kẻ gian vẫn cố làm liều.

Để tránh bị lừa, trước khi giao tiền 100%, người mua phải cùng người bán mang sổ đỏ đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở tài nguyên môi trường kiểm tra và xác minh.

Hiện thời, tùy theo tính chất hành vi, nếu việc khai báo gian dối để xin cấp lại sổ đỏ thỏa mãn dấu hiệu cấu thành tội phạm như lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản… thì người có hành vi bị truy cứu về tội danh tương xứng. Còn nếu không thì cũng không xử phạt hành chính được.

Đây là một lỗ hổng cần phải nghiên cứu bổ sung để hoàn thiện pháp luật, phòng ngừa, răn đe với những tình huống tương tự.

lua-dao-so-do-04

2. Giấy tờ công chứng là thật, nhưng sổ đỏ là giả

Kẻ lừa đảo bằng nhiều cách tinh vi để làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau đó, chúng dùng giấy này đem công chứng, tạo dựng lòng tin để chuyển nhượng.

Văn phòng công chứng chỉ có chức năng kiểm tra thông tin trong sổ đỏ và tình trạng thửa đất (tranh chấp, kê biên, thế chấp...) mà không có trách nhiệm hay khả năng chuyên môn nghiệp vụ để xác nhận sổ đỏ là thật hay giả. Lợi dụng điểm này, kẻ gian dễ dàng qua mắt người mua, chiếm đoạt tài sản.

Để tránh bị lừa, bạn hãy cùng chủ sở hữu mang sổ đỏ đến Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất hoặc Sở tài nguyên môi trường kiểm tra và xác minh. Nếu kết quả là thật, bạn có thể yên tâm ký hợp đồng mua bán, đặt cọc, giao tiền.

3. Sổ đỏ là thật, nhưng chủ nhà là giả

Bạn có thể gặp những kẻ lừa đảo nhà đất, tự xưng là chủ sở hữu của một căn nhà và trình bày cho bạn một giấy tờ nhà đất đầy đủ. Nhưng thực chất, họ không phải là chủ sở hữu.

Những kẻ này trước đó đã liên hệ với chủ nhà thật và xin cho xem sổ đỏ, rồi sao chép để làm sổ giả.

Sau đó, một kẻ khác tiếp tục đóng vai người đi xem nhà, đề nghị chủ nhà cho xem sổ đỏ, lợi dụng sơ hở sẽ đánh tráo. Chiêu lừa thành công, chúng dùng giấy tờ thật, tự xưng chủ sở hữu rồi bán nhà đất cho người khác.

Để tránh những rủi ro như vậy, hãy kiểm tra thông tin trong sổ đỏ và những thông tin cá nhân của chủ sở hữu tại cơ quan nhà nước. Điều này sẽ giúp bạn biết được thực trạng sở hữu thửa đất và người chủ thật sự là ai.

lua-dao-so-do-02

4. Sổ đỏ là thật, nhưng nhà đã bị kê biên

Trường hợp cuối cùng khiến người mua dù cầm sổ đỏ thật trên tay nhưng vẫn có nguy cơ mất trắng là do mua nhầm nhà đất bị kê biên.

Khi nhà đất bị kê biên, một số chủ sở hữu tìm cách chuyển nhượng, thế chấp hoặc cầm cố cho người khác để lấy tiền mặt và tẩu tán số tiền này mà không thi hành án theo yêu cầu của tòa.

Nếu người bán không còn tài sản khác và không đủ tài sản để thi hành án thì nhà đất này vẫn bị kê biên.

Người mua dù làm thủ tục công chứng sang tên sổ đỏ đầy đủ nhưng vẫn không tránh khỏi tranh chấp và rắc rối.

Bạn vừa xem qua bài viết "Cảnh giác: Cầm trên tay sổ đỏ, vẫn bị lừa!" Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các bài viết dưới đây:​

Thế Minh

  • tag mua nhà
  • tag lừa đảo nhà đất

Đọc nhiều

Bài viết liên quan