Kiến thức

Bước chân vào thế giới thực: 9 rắc rối khi thuê nhà mà Gen Z phải đối mặt

Đây là những kinh nghiệm xương máu, người thật việc thật, sau nhiều lần đi thuê nhà … trầm cảm của tôi!

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z
avatar

Thu Võ

14/07/2023

Được rồi, những chuyện như đi thuê nhà phải để ý vị trí, giá cả hay tiện ích xung quanh,... chắc các bạn đã đọc mòn mắt.

Ở đây sẽ không “xào” lại những vấn đề ai cũng biết đó nữa, thay vào đó, chúng tôi sẽ kể lại những kinh nghiệm xương máu, người thật việc thật, sau nhiều lần đi thuê nhà … trầm cảm!

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn Gen Z thuê nhà ưng ý, hoặc ít nhất, đỡ bất ngờ nếu có những chuyện trái khoáy xảy ra nhé!

1. Chỗ để xe quá chật chọi

Nhà cho thuê dạng phòng trọ, căn hộ mini sẽ thường gặp vấn đề này.

Lúc đi xem nhà thì nhiều người nghĩ đơn giản, thấy có chỗ để xe thì yên tâm, đặt cọc liền, chờ ngày dọn vào ở.

Nhưng vào ở rồi mới thấy cái cảnh.

Vì số lượng xe quá đông trong khi chỗ để xe lại quá chật nên xảy ra tình trạng xe để chen chúc với nhau, rất khó dắt xe ra vào.

Có người 8h đi làm, xuống chỗ để xe, thì thấy xe mình bị kẹt sau 5, 6 chiếc xe khác. Vậy là phải đẩy từng chiếc khác ra, rồi mới đẩy được xe mình ra.

Loay hoay một hồi có khi trễ luôn giờ làm!

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z-05
Đừng để thường xuyên đi trễ chỉ vì lý do không đáng này!

2. Chỗ để rác bất tiện

Một bất tiện khác nếu thuê phòng trong hẻm nhỏ là không có chỗ để rác.

Bạn T.M đang thuê trọ tại Quận 7 cho biết: “Thật ra chủ nhà có đăng ký với bên thu gom rác, nhưng vì khu nhà trọ ở đông người, để rác chung hết ở cửa làm chắn lối đi, khiến hàng xóm xung quanh phàn nàn, nên từ đó mỗi khi muốn vứt rác là phải xách nguyên một túi to ra thùng rác công cộng ở khá xa, rất bất tiện”.

Vì vậy, trước khi ký hợp đồng thuê, bạn cần hỏi kỹ từng chi tiết nhỏ, dù chỉ là chỗ vứt rác nhé!

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z-10
Bạn có thể nghĩ rằng tiện đường thì đi vứt luôn, nhưng vào ở thực tế thì bất tiện hơn nhiều.

3. Rắc rối việc nhận hàng mua online

Đối với những bạn trẻ thích đặt hàng online thì vấn đề này đặc biệt quan trọng! Đừng để đến lúc lạc đồ, mất đồ rồi mới tự trách sao mình không làm rõ ngay từ đầu nhé!

Trước hết, bạn cần hỏi xem nếu hàng giao đã thanh toán, nhưng bạn hiện không có mặt ở nhà, thì bảo vệ hay lễ tân có giữ hộ không? Hoặc có tủ riêng hay hình thức nào khác để cất đồ không?

Ngoài ra, nhiều khu nhà cho thuê không cho phép shipper giao hàng lên tận trước cửa phòng. Bạn cũng cần lưu ý vấn đề này.

Tốt nhất bạn nên hỏi bảo vệ, nhân viên tòa nhà hoặc người đang thuê ở khu đó để có thông tin chính xác nhất.

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z-09
Ở nhiều tòa nhà cho thuê chung cư mini đã có tủ khóa cho từng phòng.

4. Có yếu tố tâm linh ở đây?

Trên mạng thường có những bài viết đùa rằng do nhà có … ma nên cho thuê giá rẻ.

Nhưng thật ra thì … không phải là đùa đâu!

Đã có nhiều người kể lại trải nghiệm “sởn tóc gáy” của họ khi thuê phải những căn nhà tràn đầy yếu tố tâm linh như vậy.

Do đó, nếu nghe đồn rằng căn nhà sắp thuê có vấn đề tương tự thì bạn cũng nên kiểm chứng lại nhé.

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z-11
Tuy không nên tin dị đoan nhưng … cẩn tắc vô áy náy mà, đúng không?

5. Đường về nhà bỗng hóa thành “sông”

Đi xem nhà vào mùa nắng thì đường xá nên thơ làm sao, khi chuyển đến sống vào mùa mưa thì đường bằng bỗng hóa thành sông!

Thậm chí nước còn ngập luôn vào nhà!

Để tránh rơi vào trường hợp này thì bạn phải chịu khó hỏi thăm hàng xóm trước khi ký hợp đồng thuê, hoặc tham khảo những mẹo nhận biết nhà bị ngập nước nhé!

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z-08
Lúc đi đất bằng, lúc về đường bỗng thành sông!

6. Bị làm khó khi nuôi chó mèo

Nhiều chủ nhà sẽ không cho bạn nuôi thú cưng trong nhà, đặc biệt là những người cho thuê căn hộ chung cư.

Cũng có chủ nhà cho nuôi chó mèo, nhưng không cho nuôi những thú cưng khác như chim chóc, bò sát,...

Vì vậy, tốt nhất bạn nên làm rõ với chủ nhà trước khi đặt cọc nhé!

7. Thiết bị điện, nước trong nhà có đảm bảo không?

Đây là các chi tiết tuy nhỏ nhưng bạn phải kiểm tra kỹ trước khi dọn vào ở:

  • Kiểm tra lại số điện và số nước trước khi chuyển vào ở để đảm bảo rằng tiền điện, nước tháng sau của bạn được tính đúng.

  • Kiểm tra nếu có camera ẩn bên trong căn hộ.

  • Hệ thống chuông cửa có hoạt động bình thường không

  • Thử nước từ vòi chảy có mạnh không, chất lượng nước bình thường không

  • Mở tất cả các đèn xem có chỗ nào bị hư không

  • Kiểm tra các thiết bị điện, bóng đèn, tủ lạnh, máy giặt, máy nước nóng, các thiết bị điện tử,…

  • Vòi sen phòng tắm có dùng được không? Quạt hút ở phòng tắm có chạy không

  • Thử xả nước ở cả bồn cầu và sàn tắm xem có bị nghẹt không

  • Máy hút mùi ở bếp có hoạt động không

  • Kiểm tra vòi hoa sen phòng tắm, nếu có chế độ lạnh/nóng thì hãy thử xem còn hoạt động không

  • Kiểm tra giường và nệm trong phòng ngủ

  • Các cửa sổ có hư hỏng gì không

  • Kiểm tra các mặt tường xem có bị thấm nước không

  • Chụp ảnh lại tất cả những chỗ bị hư hỏng rồi gửi cho chủ nhà trước khi chính thức dọn vào ở.

  • Xác nhận lại với chủ nhà khóa cửa đã được thay sau khi người thuê trước dọn đi chưa. Nếu dùng khóa điện tử thì nhớ thay đổi mật mã nhé!

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z-06
Nhớ chụp ảnh lại tất cả những chỗ bị hư hỏng rồi gửi cho chủ nhà trước khi chính thức dọn vào ở.

8. Nhà hư hỏng, ai sửa chữa?

Khi mọi bánh răng chạy đều tăm tắp thì ít ai để ý chuyện này, chỉ khi có một thứ gì đó hư hỏng thì vấn đề mới phát sinh.

Pháp luật có quy định cụ thể về việc khi nhà thuê bị hư hỏng thì chủ nhà hay người thuê sẽ là người chịu trách nhiệm khắc phục.

Tuy nhiên, đôi khi “phép vua thua lệ làng”, bạn hãy làm rõ và ký biên bản đầy đủ với chủ nhà để biết được trách nhiệm thuộc về ai, không phải dây dưa rắc rối về sau.

9. Ai chịu trách nhiệm khi mất xe?

Để xe trong nhà xe chung, ra vô có chìa khóa nhưng vẫn bị mất! Chuyện có vẻ hy hữu này nhưng vẫn xảy ra hàng ngày ở nhiều địa phương.

Có trường hợp kẻ trộm giả dạng là người thuê trong một tòa căn hộ mini, tranh thủ thấy người ra vào tòa nhà thì trà trộn vào trong, đến lúc có người mở cửa thì nói là “để cửa, đừng đóng, để tiện dắt xe ra đi công chuyện liền”.

Vậy là kẻ trộm dễ dàng bẻ khóa xe, hiên ngang dắt chiếc xe ra ngoài mà không một ai thắc mắc. Chỉ đến lúc xem lại camera thì những người liên quan mới biết được thủ đoạn này.

Vậy nên, hãy làm rõ vấn đề này với chủ nhà để biết được xe mình được trông coi như thế nào, nếu cảm thấy không ổn thì tìm thêm biện pháp để giữ gìn tài sản khác hoặc tìm chỗ thuê thích hợp hơn.

kinh-nghiem-thue-nha-danh-cho-gen-z-04
Xe mất, trách nhiệm thuộc về ai?

Bạn vừa xem qua bài viết "Bước chân vào thế giới thực: 9 rắc rối khi thuê nhà mà Gen Z phải đối mặt". Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo các bài viết dưới đây:

Thu Võ

  • tag thuê nhà
  • tag kinh nghiệm thuê nhà

Đọc nhiều

Bài viết liên quan