Dịch bệnh dữ quá, đi đi lại lại phiền phức, nên mấy năm rồi tôi mới về Việt Nam. Mấy đứa cháu dẫn đi ăn uống khắp Sài Gòn chán chê rồi thôi, sợ dịch nên tôi cũng làm biếng đi xa.
Thấy tôi mang tiếng Việt kiều mà về nước chỉ nằm nhà coi tivi thành ra cuối tuần thằng Út đòi dẫn tôi xuống Bình Dương chơi. Nó nói:
“Vợ chồng con mới mua nhà dưới Thuận An, nay sẵn có xe, chú Ba đi với con xuống đó tham quan, chiều dẫn chú Ba đi nhậu đổi gió, đảm bảo vui hơn Sài Gòn.”
“Thuận An là ở đâu? Sao hồi giờ chú chưa nghe tới?” - Tôi hỏi nó
“Thuận An là … là khúc Lái Thiêu đó chú, chú quên rồi hả?”
À, nói Lái Thiêu thì tôi nhớ rồi.
“Trời ơi dưới đó ngoài đậu phộng với hạt điều thì có gì mà chơi, hồi đó chú đi nát hết cái xứ Bình Dương rồi. Thôi thôi để chú ở đây, chiều lái xe lên Sư Vạn Hạnh thăm cậu Năm.”
Thằng Út không chịu, nhất quyết đòi dẫn tôi đi: “Chú Ba vậy là lầm rồi, nay Thuận An không thua gì Sài Gòn, có khi còn vui hơn nhiều khu ở đây nữa đó. Để con dẫn chú Ba đi mở mang tầm mắt, Việt kiều gì mà nằm nhà hoài.”
Thôi thì cũng không có gì làm, tôi nghe lời nó đi một chuyến, không bổ chiều dọc cũng bổ chiều ngang, không ấy ghé mấy vườn trái cây ở Lái Thiêu thăm thú cũng được.
Hồi xưa giờ, nhắc Thuận An, Bình Dương là tôi nhớ nhất hiệu thuốc Vĩnh Sanh Đường ở ngay chợ Lái Thiêu. Lúc nhỏ tôi hay đi với bà ngoại xuống đó hốt thuốc, thăm bà con, rồi lại đi vòng vòng mua trái cây. Hồi nhỏ mê nhất ăn măng cụt mua ở chợ Lái Thiêu. Cũng có thể giờ nhiều chỗ bán măng cụt ngon hơn nhưng những ký ức thuở thiếu thời thì khó mà phai nhạt.
Ừ thì nhắc đến Thuận An, Bình Dương, tôi cũng chỉ có ấn tượng như vậy. Khúc chợ Lái Thiêu là đông vui nhất rồi, mấy khu còn lại đìu hiu quạnh quẽ, cũng không có gì đặc sắc. À, về sau ngay chợ người ta mở thêm cái siêu thị Vinatex, bán buôn được lắm, nghe đâu kiếm được cả tỷ mỗi ngày.
Từ Thủ Đức, thằng Út chở tôi qua cầu Vĩnh Bình là tới địa phận Thuận An. Ngay đó người ta làm cái cổng chào coi cũng hoành tráng quá chứ.
Thằng Út lái xe bon bon trên Quốc lộ 13. Xe chạy êm re, không có ổ gà, cà giựt như nhiều khúc ở Sài Gòn. Mà nó nói phải, tôi đúng là được mở mang tầm mắt, Thuận An nay khác quá, không còn là Thuận An trong mảnh ký ức của tôi nữa rồi.
Khúc mới qua cầu là có cái bệnh viện lớn lắm, tiếp đó là một cái chung cư cao tầng. Chạy xíu nữa lại thấy thêm cái bệnh viện Becamex rộng thiệt rộng. Hai bên đường cũng nhiều hàng quán này nọ. Từ cổng chào chạy tiếp cỡ 5 cây số mà thấy 3, 4 cái chung cư rồi. Showroom xe hơi cũng 3, 4 cái, cạnh tranh nằm san sát nhau, Honda, Vinfast, Chevrolet,... đủ cả.
“Ngoài quốc lộ là đường xe chạy nên còn ít đó chú Ba, chú quẹo vô mấy đường nhánh là đủ thứ luôn, ăn uống, vui chơi, không thiếu món gì.”
Hình như nó muốn chứng minh là tôi lạc hậu rồi hay sao, vừa lái xe nó vừa luôn miệng giới thiệu đủ thứ mới mẻ ở Thuận An. Nhưng mà cũng đúng, Thuận An nay đã “thay da đổi thịt” rồi, không đi thì tôi cũng không tin những gì nó nói.
“Thuận An thì chú Ba mới biết cái chợ Lái Thiêu thôi đúng không? Để con lái xe lên khúc trên “khai sáng” cho chú Ba nha, đảm bảo chú Ba không ngờ luôn!”
Thằng Út lái tiếp trên Quốc lộ 13, nào là ngân hàng, nào là siêu thị, hàng quán ẩm thực cứ nối nhau xuất hiện. Cái nào cũng hiện đại, cũng quy mô, không thua kém gì ở Thủ Đức. Cái Aeon Mall ở Bình Dương hình như còn lớn hơn cái ở Tân Phú mà có lần tôi từng đi.
Lúc đó cũng gần 6 giờ chiều, nó quành xe lại, chạy về căn nhà vợ chồng nó mới mua ở gần bưu điện Thuận An. Tham quan nhà, ngồi nghỉ một chút thì nó đưa tôi với mấy người bà con bên nhà vợ … đi nhậu.
Thằng Út sẵn lượn một vòng qua khúc chợ Lái Thiêu để tôi ôn lại chút kỉ niệm xưa. Một vài hàng quán cũ trong trí nhớ của tôi vẫn còn đó, nhưng xen kẽ là những “gương mặt mới” lạ lẫm hơn, hiện đại hơn.
Đường Cách mạng tháng Tám quá nhộn nhịp, nhiều đoạn tôi tưởng mình đang ở Thủ Đức, khúc gần chợ Lái Thiêu thì tưởng như lạc tới Quận 5. Đúng là không thua kém gì Sài Gòn!
Mà thằng Út kể tôi mới biết mấy năm trước siêu thị Vinatex ở tầng 1 chợ Lái Thiêu đã đóng cửa rồi, tại vì không cạnh tranh lại nhiều siêu thị khác mới mở sau này.
Vậy mới thấy Thuận An phát triển cỡ nào, cái siêu thị từng bán được cả tỷ đồng mỗi ngày hồi những năm 2000 vậy mà không theo kịp đà phát triển của thị trường.
Chỉ có một cái chợ Lái Thiêu mà đã thay đổi quá chừng, vậy mà thằng Út nói Thuận An nay có mấy cái chợ khác còn sầm uất hơn chợ Lái Thiêu nữa.
Rồi thằng Út quẹo qua đường Ngô Quyền, trời tối nên tôi nhìn không rõ lắm, nhưng hình như là đường này nằm ven sông, nhưng họ phóng đường rất rộng. Chạy lên chút nữa còn có cái công viên nhỏ nhỏ.
Dọc đường Ngô Quyền hàng quán phủ phê, nằm san sát nhau, y như hàng quán ven đại lộ Phạm Văn Đồng khúc đi từ Thủ Đức đến gần cầu Bình Triệu vậy. Mới 6 giờ chiều mà quán nào cũng khách khứa tấp nập, người ra vô nhộn nhịp lắm.
Chuyến đi “đổi gió” này đúng là đi không uổng công, vừa được một chầu nhậu ngon lành, vừa được mở mang tầm mắt quá chừng. Không đi coi tận mắt tôi cũng không tin cái nơi mà chỉ có tiệm thuốc Bắc với măng cụt trong ký ức tôi đã “thay da đổi thịt” đến mức này.
Hèn chi có đợt tôi đọc báo thấy ở Bình Dương người ta xây chung cư nhiều lắm. Lúc đó tôi nghĩ bụng Bình Dương ai ở đâu mà xây chi dữ vậy? Giờ mới thấy mình hiểu biết hạn hẹp quá rồi.
Nhưng có một chuyện tôi biết rõ là Bình Dương có nhiều khu công nghiệp lớn, vì có một ông bạn của tôi, cũng Việt kiều, đầu tư nhà máy ở dưới này. Ổng từng kể tôi nghe mấy khu công nghiệp ở Bình Dương để rủ tôi hùn vốn nhưng hồi ấy tôi còn bận làm ăn bên này nên không quan tâm lắm.
Nếu cứ đà phát triển này thì tôi tin rằng Thuận An sẽ sớm sánh ngang, có khi hơn Thủ Đức. Vùng đất kỉ niệm mà bà ngoại dẫn tôi đi hốt thuốc Bắc đã khoác lên tấm áo mới. Tôi bỗng thấy có chút buồn, buồn cái buồn tủn mủn của một người luống tuổi khi nghĩ về ký ức cũ, nhưng vui nhiều hơn cho đất nước được trù phú hơn, người dân sống sung túc hơn.
Thế Minh (ghi)
- câu chuyện nhà đất
- thuận an
- bình dương